Ngày đăng : 24/04/2020 - 9:26 PM

Thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp hay còn được gọi là viêm xương khớp (OA), đây là tình trạng lớp đệm tự nhiên giữa các sụn khớp bị mòn đi. Điều này xảy ra dẫn đến xương khớp cọ xát với nhau và giảm khả năng giảm sốc của sụn. Xương khớp cọ xát với nhau dẫn đến sưng, đau, cứng, giảm khả năng vận động, thậm chí có thể hình thành gai xương.

Thoái hóa khớp là một bệnh lý mãn tính, thường xảy ra ở những người cao tuổi, đặc biệt là từ 40 đến 60 tuổi. Theo các nhà khoa học, tác nhân hàng đầu dẫn tới thoái hóa khớp là do quá trình lão hóa tự nhiên của con người hoặc hay phải chịu áp lực quá tải kéo dài.

Thoái hóa khớp gối là gì?

Thoái hóa khớp gối là tình trạng lớp đệm tự nhiên giữa các sụn khớp ở đầu gối bị hao mòn. Đây là một hậu quả của quá trình mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại sụn khớp.

Thoái hóa khớp gối phát triển một cách âm thầm, thường phải mất một vài năm để phát triển. Các triệu chứng ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng nên rất khó để phát hiện sớm.

quá trình thoái hóa khớp gối

 

Quá trình thoái hóa khớp gối

 

Những giai đoạn phát triển của bệnh:

Giai đoạn 1: Khởi phát

Tình trạng loãng xương có thể phát triển ở đầu gối, có thể gây ảnh hưởng nhẹ đến sụn khớp. Giai đoạn này thường không có sự hao mòn rõ ràng của lớp đệm tự nhiên giữa sụn khớp.

Những người bị thoái hóa khớp gối giai đoạn 1 thường không cảm thấy đau nhức hoặc cảm thấy khó chịu, hình ảnh khớp trên X-quang cũng bình thường.

Giai đoạn 2: Nhẹ

Ở giai đoạn này, người bệnh có thể cảm nhận được những triệu chứng và bác sĩ có thể phát hiện ra một số dấu hiệu thoái hóa khớp.

Những hình ảnh X-quang khớp đầu gối và phương pháp khác có thể cho thấy sụn khớp bắt đầu hao mòn đi. Không gian giữa các xương vẫn xuất hiện bình thường nhưng khu vực các mô và xương gặp nhau sẽ bắt đầu cứng lại.

Khi các mô cứng lại sẽ khiến cho xương phát triển và dày hơn. Một phần xương mỏng cũng có thể sẽ phát triển ở bên dưới sụn của khớp. Lúc này, người bệnh có thể bị cứng khớp hoặc đau nhức ở khớp. Khu vực xung quanh khớp gối có thể bắt đầu cảm thấy khó chịu và cứng sau khi ngồi trong một thời gian dài.

Người bệnh có thể có một số ảnh hưởng nhỏ, các xương không cọ xát vào nhau. Chất nhầy hoạt dịch vẫn còn, nó giúp giảm ma sát và hỗ trợ chuyển động của đầu gối.

Giai đoạn 3: Trung bình

Khi bước sang giai đoạn 3, những tổn thương của sụn khớp đã bắt đầu phát triển, khoảng cách giữa các xương bị thu hẹp, hình ảnh X-quang sẽ cho thấy sự hao mòn sụn khớp rõ ràng.

Người bệnh bắt đầu cảm thấy đau và khó chịu khi thực hiện các hoạt động hàng ngày như đi bộ, uốn cong, chạy bộ, quỳ. Khi thoái hóa khớp phát triển, sụn khớp tiếp tục hao mòn và vỡ ra. Xương sẽ phản ứng bằng cách phát triển dày lên ra bên ngoài để tạo thành cục.

Các mô ở khớp sẽ bị viêm và có thể tiết ra chất lỏng hoạt dịch, điều này dẫn đến sưng. Đây được gọi là tình trạng viêm bao hoạt dịch đầu gối.

Giai đoạn 4: Nặng

Đây là giai đoạn phát triển mạnh nhất của thoái hóa khớp, các triệu chứng xuất hiện rất rõ ràng. Khoảng cách giữa các xương trong khớp tiếp tục bị thu hẹp dẫn đến sụn bị phá vỡ mạnh hơn. Hình ảnh X-quang sẽ cho thấy các đầu xương – tức là sụn khớp đã bị hao mòn hoàn toàn hoặc chỉ còn lại một ít.

Ở giai đoạn này, tình trạng cứng khớp xuất hiện nhiều hơn, viêm liên tục và chất nhầy xung quanh khớp cũng giảm dần. Ma sát trong khớp xảy ra nhiều gây đau nhức khó chịu, nhất là khi di chuyển.

Nếu người bệnh không được điều trị tốt, xương có thể bị biến dạng và đau nhức do hao mòn sụn không đối xứng. Người bệnh có thể phải điều trị phẫu thuật ngay lập tức.

Ai dễ bị thoái hóa khớp?

Thoái hóa khớp là một bệnh lý xương khớp rất phổ biến. Nó có thể xảy ra ở tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi khác nhau. Tuy nhiên, nguy cơ bị thoái hóa khớp bắt đầu tăng mạnh lên khi bước sang độ tuổi 45.

Theo các chuyên gia xương khớp, tỉ lệ thoái hóa khớp ở đầu gối là cao nhất trong những trường hợp thoái hóa khớp khác. Đặc biệt, phụ nữ có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối cao hơn so với nam giới.

Nguy cơ bị thoái hóa khớp gối

 

Nguy cơ bị thoái hóa khớp gối

 

Nguyên nhân thoái hóa khớp

Nguyên nhân hàng đầu gây thoái hóa khớp là tuổi tác. Hầu như ai khi về già cũng sẽ bị thoái hóa khớp ở một mức độ nào đó. Ngoài ra, có một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ bị thoái hóa khớp sớm hơn.

  • Tuổi tác: Khi về già thì khả năng chữa lành và tái tạo lại sụn khớp giảm dần.
  • Cân nặng: Khi cân nặng cơ thể càng lớn sẽ càng làm tăng áp lực lên các khớp, nhất là khớp gối.
  • Di truyền: Những đột biến gen có thể khiến bạn tăng nguy cơ phát triển thoái hóa khớp. Hoặc cũng có thể là do bất thường di truyền trong cấu trúc của xương bao quanh khớp.
  • Giới tính: Phụ nữ ở độ tuổi 55 trở lên có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn nam giới.
  • Chấn thương: Những người thường xuyên quỳ, ngồi xổm hoặc nâng tạ nặng (55 pounds trở lên) có thể gây áp lực cho khớp.
  • Vận động viên thể thao: Những người chơi đá bóng, chạy đường dài, tennis có nguy cơ cao mắc bệnh thoái hóa khớp gối.
  • Do bệnh lý khác: Những người bị viêm khớp dạng thấp sẽ có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp.

Triệu chứng thoái hóa khớp

Những triệu chứng của thoái hóa khớp đầu gối có thể xuất hiện gồm:

  • Sưng tại các vị trí khớp
  • Cơn đau xuất hiện và tăng lên khi di chuyển, đau sẽ giảm khi nghỉ ngơi
  • Cảm giác nóng trong khớp
  • Cứng khớp, nhất là vào buổi sáng và khi ngồi lâu
  • Có tiếng kêu rắc rắc khi chuyển động đầu gối
  • Giảm khả năng vận động

Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp mới nhất

Chẩn đoán thoái hóa khớp gối sẽ bắt đầu bằng việc kiểm tra thể chất của người bệnh. Những biện pháp kiểm tra khớp và phạm vi hoạt động của khớp cũng được bác sĩ yêu cầu người bệnh thực hiện.

Bác sĩ sẽ hỏi về lịch sử bệnh của bạn và bất kỳ triệu chứng nào. Bạn hãy chắc chắn liệt kê những yếu tố khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn hoặc tốt hơn để giúp bác sĩ xác định chính xác bệnh. Ngoài ra có thể hỏi về những người thân trong gia đình có ai bị thoái hóa khớp.

Chẩn đoán thoái hóa khớp gối bằng X-quang

 

Chẩn đoán thoái hóa khớp gối bằng X-quang

 

Ngoài ra, bác sĩ của bạn có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm hình ảnh bao gồm:

  • Hình ảnh X-quang thoái hóa khớp gối: Có thể cho thấy những tổn thương sụn khớp và đầu xương.
  • Chụp cộng hưởng từ (Mri): Có thể được yêu cầu nếu hình ảnh X-quang không đưa ra kết quả rõ ràng hoặc tia X cho thấy tổn thương ở mô khớp.
  • Xét nghiệm máu: Có thể giúp loại trừ những bệnh lý xương khớp khác như gout, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp khác do rối loạn trong hệ thống miễn dịch.

Bài viết khác

Phòng khám xương khớp Ths.BSCKII. Nguyễn Việt Nam

Bệnh xương khớp

Hotline tư vấn miễn phí: 0978150286
icon zalo